Mấy ngày qua, dư luậnđang quan tâm đến thông tin 1 sản phụ tử vong bất thường tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mường Nhé.
Sản phụ 29 tuổi chết bất thường tại cơ sở y tế. Ảnh: Gia đình nạn nhân cung cấp
Sản phụ chết bất thường khiến gia đình bức xúc
Theo thông tin từ gia đình nạn nhân, ngày 14.11 chị Poòng Thị N (SN 1994) được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé để khám thai do đã đến ngày dự sinh nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Tại thời điểm đến cơ sở y tế, chị N trong tình trạng sức khỏe bình thường.
Đến 7h00 sáng 15.11 bác sĩ tư vấn do thai to 3,8kg (theo kết quả siêu âm) nên không thể sinh thường vì vậy đã tư vấn chị Poòng Thị N sinh mổ và chỉ định truyền thuốc để chuyển dạ.
Khi vừa truyền được 1-2 phút Poòng Thị N có dấu hiệu nôn, da tím tái, không thở được. Sau khoảng 15 phút sơ cứu các bác sĩ tiếp tục chuyển chị N lên phòng mổ.
Sau khi mổ xong sản phụ N trong tình trạng hôn mê sâu, nhịp tim cao; trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng, nhịp thở yếu đã được gia đình xin điều chuyển tuyến ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và được chuẩn đoán suy hô hấp, suy gan, suy thận, xung huyết dạ dày, trắng phổi…
Đến sáng 16.11, sản phụ Poòng Thị N đã tử vong trong tình trạng xuất huyết, bầm tím, chảy máu tai, mũi, miệng…
Từ những nội dung chia sẻ trên mạng xã hội của gia đình nạn nhân đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác, chia sẻ và bình luận. Nhiều người đã câu hỏi xung quanh nguyên nhân dẫn đến việc sản phụ tử vong và quy trình xử lý trong lĩnh vực chuyên môn của cơ sở y tế.
Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé – nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: TTYT Mường Nhé
Lãnh đạo Sở Y tế Điện Biên nói gì?
Để làm rõ những thông tin gia đình nạn nhân cung cấp, phóng viên Báo Lao Động đã nhiều lần liên hệ với ông Lò Văn Sen – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, tuy nhiên ông Sen không trả lời và cũng không nghe điện thoại.
Để rộng đường dư luận, chiều 22.11, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Mẫn, Phó Giám đốc Sở Y tế Điện Biên (người đã có nhiều năm làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên) về các nội dung mà dư luận quan tâm.
Ông Phạm Văn Mẫn cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc nói trên, lãnh đạo Sở Y tế đã nắm được thông tin. Đến nay đã nhận được báo cáo sơ bộ của Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé liên quan đến vụ việc.
“Theo báo cáo sơ bộ thì đây là sự cố y khoa không mong muốn. Sự cố này đã gây mất mát rất lớn đối với gia đình nạn nhân và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cán bộ, nhân viên y tế” – ông Mẫn khẳng định.
Giải thích về những nội dung cụ thể theo phản ánh của gia đình nạn nhân mà hiện nay dư luận đang hết sức quan tâm, ông Phạm Văn Mẫn cho biết:
Về nội dung truyền thuốc chuyển dạ khi đẻ mổ, ông Mẫn cho rằng đó là phương pháp vẫn thường được áp dụng trong y khoa. Đối với trường hợp thai to, không có dấu hiệu chuyển dạ, mở tử cung thì có thể truyền đẻ chỉ huy, trong trường hợp truyền đẻ chỉ huy thất bại sẽ chuyển sang mổ đẻ.
“Việc các bác sĩ giải thích là truyền để mổ cho đỡ mất máu (theo gia đình nạn nhân) là cách giải thích tóm tắt cho người không có chuyên môn về y khoa. Tuy nhiên đây là một trong những phương pháp vẫn thường xuyên được áp dụng” – ông Mẫn cho hay.
Với câu hỏi tại sao không gây tê tủy sống mà lại gây mê nội khí quản, ông Mẫn cho biết trong trường hợp này việc gây tê tủy sống là “chống chỉ định”. Do vậy việc gây mê nội khí quản là phương pháp được lựa chọn.
Về thông tin khi khám nghiệm tử thi phát hiện nạn nhân bị gãy xương sườn và xương ức, Phó Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho biết, đây là không tin chưa được báo cáo chính thức.
“Tuy nhiên, trong quá trình cấp cứu ngừng tuần hoàn thì đã xảy ra nhiều trường hợp như vậy. Đó là sự số không mong muốn nhưng nếu cứu được nạn nhân thì vẫn được coi là cấp cứu thành công” – ông Mẫn cho biết thêm.
Liên quan đến những câu hỏi nghi vấn về quy trình cấp cứu và chuyên môn của các y bác sĩ. Phó Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho biết: “Tại thời điểm nạn nhân xảy ra sự cố đang có đoàn cán bộ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên công tác tại Mường Nhé gồm Phó Giám đốc bệnh viện và nhiều y, bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm cũng trực tiếp tham gia cấp cứu. Do vậy nếu nói là do trình độ chuyên môn là không có căn cứ” – ông Mẫn khẳng định.
Về nguyên nhân dẫn đến sản phụ tử vong, ông Phạm Văn Mẫn cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định do nạn nhân bị sốc phản vệ trong quá trình truyền đẻ chỉ huy. Do vậy con của nạn nhân cũng bị ảnh hưởng từ việc sốc phản vệ của người mẹ. Hiện đứa trẻ đã được chuyển về tuyến trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Thông qua Báo Lao Động, lãnh đạo Sở Y tế Điện Biên cũng xin được chia sẻ sự mất mát rất lớn đối với gia đình chị Poòng Thị N bởi sự cố y khoa không mong muốn. Đồng thời khẳng định, hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc để tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
“Khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, nếu có lỗi sai sót về chuyên môn những người liên quan sẽ được xử lý theo đúng quy định của pháp luật” – ông Phạm Văn Mẫn khẳng định.