Trong khi vàng SJC tiếp tục hạ nhiệt thì giá vàng Rồng Thăng Long vẫn tăng tốc và xác lập mức giá kỷ lục trên ngưỡng 60 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 100.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 3/11 tiếp tục giảm 250.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 69,7 – 70,42 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 69,7 – 70,4 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua, hiện đứng ở mức 59,08 – 60,03 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 2,6 USD lên 1.985,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm nhẹ xuống 1.983,3 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York tăng 6 USD, tương ứng tăng 0,3% lên 1.993,5 USD/ounce.
Vàng nhích nhẹ khi nhận được sự hỗ trợ từ các thị trường bên ngoài bao gồm chỉ số đô la Mỹ thấp hơn, giá dầu thô cao hơn và trái phiếu kho bạc Mỹ giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, kim loại quý còn nhận được động lực sau khi Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố thị trường lao động Mỹ dường như đang mất đà khi số lượng công nhân Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng nhiều hơn dự kiến.
Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã tăng lên 217.000 trong tuần kết thúc vào ngày 28/10, tăng 5.000 đơn so với mức điều chỉnh của tuần trước là 210.000.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Robert Minter, giám đốc Chiến lược đầu tư ETF tại abrdn, nói rằng có rất ít khả năng ngăn cản vàng đạt mức cao mới mọi thời đại sớm hay muộn
Minter cho rằng yếu tố lớn nhất hỗ trợ giá vàng tiếp tục là nhu cầu của ngân hàng trung ương. Theo số liệu mới nhất từ Hội đồng vàng thế giới (WGC), tính đến cuối quý III, các ngân hàng trung ương đã mua kỷ lục 800 tấn vàng.
Trong khi một số nhà đầu tư thất vọng vì vàng không thể giữ mức tăng trên 2.000 USD/ounce, Minter nói rằng, ông tiếp tục nhìn vào bức tranh toàn cảnh hơn. Ông lưu ý rằng 2.000 USD đại diện cho mức kháng cự kỹ thuật chính.
“Sẽ cần rất nhiều động lực mua để vượt qua mức 2.000 USD một cách vững chắc, nhưng một khi điều đó xảy ra, nó sẽ đưa vàng lên một tầm cao mới. Điều đó sẽ không xảy ra hôm nay hay ngày mai, nhưng chỉ là vấn đề thời gian trước khi vàng phá vỡ đỉnh này”, ông nói.
Với mức giá khoảng 1.983,3 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 59,81 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 10,61 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 106,2 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 3/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.084 đồng/USD, giảm 15 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.880 – 25.388 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.239 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 24.370 – 24.740 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 24.550 đồng/USD và bán ra là 24.600 đồng/USD.