Từ 1/12/2023, chuyển khoản từ 500 triệu bắt buộc phải báo cáo cơ quan chức năng: Người dân cần nắm rõ
Để hạn chế rủi ro khi chuyển khoản, từ ngày 1/12/2023, khi chuyển tiền online từ 500 triệu đồng trở lên bắt buộc phải báo cáo.
Ngày nay, việc sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến đã trở nên phổ biến với đại bộ phận người dân. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi và nhanh chóng đó đôi khi cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lừa đảo. Trường hợp bị lừa chuyển tiền qua tài khoản là một trong những rủi ro thường gặp nhất. Để hạn chế rủi ro, sắp tới, khi chuyển tiền online từ 500 triệu đồng trở lên bắt buộc phải báo cáo.
Từ 1/12/2023, giao dịch chuyển tiền điện tử mức từ 500 triệu đồng trở lên bắt buộc phải báo cáo
Theo Thông tư 09/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 1/12 năm nay, với giao dịch trong nước, tổ chức cung cấp dịch vụ cần báo cáo về từng giao dịch có giá trị lớn, từ 400 triệu đồng. Còn với giao dịch điện tử, mức phải báo cáo là từ 500 triệu đồng.
Thông tư số 09/2023 của Ngân hàng Nhà nước, Hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng chống rửa tiền, quy định các trường hợp phải báo cáo cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng chống rửa tiền khi thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử bao gồm:
– Giao dịch chuyển tiền điện tử mà tất cả tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử cùng ở Việt Nam (chuyển tiền điện tử trong nước) có giá trị giao dịch từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương.
– Giao dịch chuyển tiền điện tử mà có ít nhất một trong các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử ở các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam (chuyển tiền điện tử quốc tế) có giá trị từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, riêng các giao dịch chuyển tiền điện tử không phải báo cáo gồm giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ. Giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng quyết định, nhằm hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng chống tội phạm.
Cách lấy lại tiền khi bị lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản
Hiện nay, để khôi phục lại số tiền bị lừa đảo chuyển qua ngân hàng, người bị hại cần áp dụng các phương án pháp lý phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Một số cách phổ biến được sử dụng để khôi phục lại số tiền bị lừa đảo là:
– Thông báo cho ngân hàng ngay sau khi phát hiện việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ tạm thời phong tỏa số tiền vừa gửi vào tài khoản của người bị lừa để tiến hành xác minh và kiểm tra xem có dấu hiệu nhầm lẫn hay sai sót gì không.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Thông tư 23/2010/TT-NHNN, khi lệnh thanh toán bị sai địa chỉ, sai tên, số hiệu tài khoản của người nhận (đúng tên nhưng sai số hiệu và ngược lại…), ngân hàng sẽ tạm thời phong tỏa, khoá tài khoản để khắc phục những sai sót trên. Điều này giúp người bị lừa đảo có thêm thời gian để giải quyết vấn đề, đồng thời người lừa đảo không thể chiếm đoạt số tiền của người bị hại trong thời gian này.
Trong trường hợp tài khoản thụ hưởng bị khoá, phong tỏa nhưng số tiền bạn chuyển đến vẫn còn trong tài khoản, ngân hàng sẽ hoàn lại số tiền cho người bị hại, bị chuyển nhầm. Tuy nhiên, nếu số tiền chuyển nhầm đã được rút, ngân hàng sẽ thông báo cho chủ tài khoản và yêu cầu họ trả lại số tiền cho bạn. Nếu họ không trả, người bị hại có thể dựa vào đây để khởi kiện ra Tòa án hoặc tố cáo lên cơ quan công an để đòi lại số tiền bị lừa đảo.
– Sau khi thông báo với Ngân hàng để ngăn chặn việc rút tiền trái phép và không thành công trong việc nhận lại số tiền bị lừa đảo do lệnh chuyển tiền không có sai sót, người bị hại cần nộp đơn trình báo lên cơ quan công an. Nếu biết rõ thông tin về địa chỉ hoặc nơi cư trú của kẻ lừa đảo, người bị hại nên nộp đơn trình báo tại cơ quan công an nơi địa chỉ đó. Trong trường hợp không biết rõ đối tượng lừa đảo hoặc địa chỉ cư trú của đối tượng này, người bị hại cần trình báo tại cơ quan công an nơi mình cư trú. Việc trình báo lên cơ quan công an là hành động cần thiết để giúp bạn có khả năng tìm ra người đã thực hiện hành vi lừa đảo qua ngân hàng. Chỉ khi bạn biết được danh tính và địa chỉ của kẻ lừa đảo, bạn mới có thể yêu cầu hoàn lại tài sản bị mất.
Ngoài ra, việc trình báo cũng cung cấp cơ sở cho cơ quan công an phát hiện và truy cứu trách nhiệm hình sự của tội phạm. Trong trường hợp phát hiện và xác định được người có hành vi lừa đảo, dù chưa đủ để bị truy cứu trách nhiệm hình sự, văn bản kết luận của cơ quan điều tra xác định hành vi vi phạm của người này, cùng với thông tin về địa chỉ cư trú, sinh sống của người lừa đảo, là cơ sở để người bị hại khởi kiện người này để đòi lại tài sản bị lừa đảo.
Hành vi lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng là phổ biến và nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đòi lại tiền khi bị lừa đảo. Vì vậy, người sở hữu tài sản cần cẩn trọng và sáng suốt trong các giao dịch để tránh trở thành nạn nhân của lừa gạt.
Nguồn: https://www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn/tu-1-12-2023-chuyen-khoan-tu-500-trieu-bat-buoc-phai-bao-cao-co-quan-chuc-nang-nguoi-dan-can-nam-ro-757514.html